Sisältöjulkaisija

null NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi làm việc trao đổi giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án “1 triệu ha lúa”

Chi tiết bài viết Tin tức

NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi làm việc trao đổi giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án “1 triệu ha lúa”

Sáng ngày 27/11/2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp) tổ chức buổi làm việc trao đổi giải pháp phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án “1 triệu ha lúa” chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên địa bàn Tỉnh. Tham dự, chủ trì buổi làm việc có ông Vương Trí Phong – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, cùng sự tham dự của ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh, ông Võ Văn Quốc - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-ĐT; đại diện Liên minh Hợp tác xã Tỉnh và các phòng ban nghiệp vụ, cán bộ nghiệp vụ liên quan từng đơn vị phụ trách theo dõi thực hiện Đề án.

Ông Vương Trí Phong – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Vương Trí Phong – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đánh giá Đề án “01 triệu ha lúa” chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL là một chủ trương lớn của Chính phủ, đã được các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đang triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng chủ lực của cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Về phía ngành ngân hàng đã cam kết đảm bảo nhu cầu vốn phục vụ Đề án và hướng dẫn hồ sơ vay.

Để chương trình tín dụng sớm đi vào thực tiễn, nguồn vốn ưu đãi đến được các đối tượng tham gia Đề án nhất là giai đoạn thí điểm 2024-2025, việc sớm công bố danh mục vùng chuyên canh, các liên kết và các chủ thể tham gia liên kết tại Đề án trên địa bàn Tỉnh, tiêu chuẩn định mức kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp là mối quan tâm lớn hiện nay để làm cơ sở các TCTD thẩm định, xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó, Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Tháp cũng đề xuất việc thành lập Ban chỉ đạo (Ban chỉ đạo hoạt động theo quy chế ban hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan) thực hiện Đề án trong giai đoạn thí điểm nhằm kịp thời theo dõi, chỉ đạo, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn thí điểm 2024-2025 và sơ kết sau thí điểm, báo cáo kịp thời UBND Tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh thông tin tình hình triển khai  Đề án trên địa bàn

Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh đã thông tin về lộ trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn Tỉnh theo Kế hoạch UBND Tỉnh đã ban hành, theo đó phấn đấu đến hết năm 2025 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đạt ít nhất 50.000 ha tại 08 huyện, thành phố: Huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò, huyện Cao Lãnh và TP Hồng Ngự, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 toàn Tỉnh đạt 161.000 ha diện tích canh tác vùng chuyên canh chất lượng cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh trao đổi, thảo luận việc xác định định mức kỹ thuật, phân tích tình hình các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo trên địa bàn và đề xuất ngành ngân hàng hỗ trợ thông tin, hướng dẫn, công khai minh bạch danh mục thủ tục, hồ sơ vay vốn để doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Đề án hiểu, nắm bắt và tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi này.

Ông Võ Văn Quốc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-ĐT phát biểu

Theo ông Võ Văn Quốc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn-ĐT cho biết về nguồn vốn thực hiện Chương trình, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đảm bảo đáp ứng và không có hạn chế về quy mô chương trình. Ngay khi có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án “1 triệu ha lúa” của Hội sở, danh sách vùng chuyên canh, diện tích cụ thể, số lượng nông dân, doanh nghiệp tham gia trong giai đoạn thí điểm… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động tiếp cận, tiến hành xem xét, thẩm định, xét duyệt cho vay, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn thí điểm.

Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các Sở, ngành liên quan sẽ giúp cho việc triển khai thí điểm đạt kết quả và là cơ sở nhân rộng tại các địa phương.

Buổi làm việc là cơ hội để các Sở, ngành đơn vị có liên quan trao đổi, đưa ra các giải pháp, đề xuất cũng như giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trong giai đoạn thí điểm, góp phần hoàn thiện các khâu liên kết, thực hiện có hiệu quả Đề án, từng bước đưa tỉnh Đồng Tháp thực hiện thành công diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao đến năm 2030 ở vùng ĐBSCL như kỳ vọng.

Phòng TH-KT