Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn
Ngày 01/4/2024, Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Việt Nam – Trưởng đoàn đã đến khảo sát và làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN chi nhánh tỉnh đồng Tháp) về đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (sau đây gọi tắt là Nghị định 55 và Nghị định 116).
Tham gia Đoàn khảo sát cùng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Việt Nam, có Ông Trần Gia Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đến khảo sát 3 mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình tại huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp gồm: Mô hình Sen chuyển đổi sang hướng hữu cơ, mô hình sản xuất lúa tại Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi và Mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học cho cây xoài và các loại cây trồng khác. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, thông minh nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tại các mô hình khảo sát, Đoàn công tác đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, hợp tác xã về chính sách lãi suất, tín dụng ngân hàng… đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Người dân mong muốn các CN NHTM tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong các mô hình dự án nông nghiệp nông thôn khi họ có nhu cầu vay vốn.
Đoàn khảo sát trao đổi nội dung liên quan vay nông nghiệp nông thôn tại Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi
Chiều cùng ngày, tại NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, Đoàn khảo sát cùng NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc về đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55 và Nghị định số 116 của Chính phủ. Tham dự buổi làm việc, ngoài Đoàn công tác của NHNN Việt Nam, có đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành (Nông nghiệp và phát triền nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội DN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, VP Đại diện Agribank KV Tây Nam bộ), ông Vương Trí Phong – Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Tháp, ông Lại Văn Bé Chín – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Tháp, các cán bộ chủ chốt thuộc NHNN chi nhánh Đồng Tháp, gần 10 doanh nghiệp, hộ dân, hợp tác xã và Lãnh đạo 13 chi nhánh ngân hàng có dư nợ nông nghiệp nông thôn cao trên địa bàn.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tính Đồng Tháp,hoạt động ngân hàng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đầu tư vốn kịp thời, có hiệu quả cũng như giúp các tổ chức tín dụng trong công tác xử lý thu hồi nợ. Qua đó, đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã thu hút được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia. Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tỉnh Đồng Tháp đóng vai trò chủ đạo. Mạng lưới giao dịch của các tổ chức tín dụng được mở rộng với hình thức đa dạng để đáp ứng nhu cầu vốn của các hộ dân vùng sâu, vùng xa… Đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 60%-70% tổng dư nợ. Đến 31/12/2023, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hơn 70 ngàn tỷ đồng, tăng 2,61 lần so với cuối năm 2015, với 272.405 khách hàng còn dư nợ; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 13,94%, giai đoạn 2016 - 2023 là 12,81%. Đối với ngành hàng thủy sản, lúa gạo có mức tăng trưởng tốt, cho vay thủy sản có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 6,64%, giai đoạn 2016 - 2023 là 7,62%; đặc biệt ngành hàng lúa gạo có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 13,90%, giai đoạn 2016 - 2023 là 19,74%, cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân lĩnh vực NNNT và cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn tỉnh. Cụ thể, đến 31/12/2023, dư nợ lúa gạo trên địa bàn đạt 13.383 tỷ đồng và là tỉnh có dư nợ lúa gạo đứng thứ 4 so với khu vực ĐBSCL.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Hà Thu Giang đánh giá chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 được triển khai rộng rãi, công tác chỉ đạo, triển khai trên địa bàn kịp thời, đạt được các kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với các ưu đãi hỗ trợ của chính sách, mức tăng trưởng tín dụng đối với chương trình hiện nay chưa đạt so với kỳ vọng, dư nợ cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay chuỗi liên kết còn hạn chế, dư nợ hợp tác xã có xu hướng giảm, dư nợ cho vay không tài sản đảm bảo chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, Đoàn tập trung nắm bắt kịp thời các ý kiến tại địa phương để có cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu bắt đầu buổi làm việc
Tại Buổi làm việc, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết trong những năm qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình trọng điểm của Tỉnh theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và chính quyền địa phương, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cho vay thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Ông đánh giá cao hiệu quả chính sách tín dụng nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/203/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xem xét bổ sung chính sách tương tự do hiện chính sách này đã hết hiệu lực. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất phát huy hơn nữa hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hướng dẫn đánh giá các tài sản hình thành trên đất cũng như các tiêu chí xác định dư án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…để các ngân hàng có cơ sở xem xét cho vay.
Buổi làm việc đã ghi nhận ý kiến phát biểu của đại diện Đoàn công tác, đại diện 02 khách hàng tham dự buổi làm việc và các ý kiến từ phía đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các ý kiến xoay quanh vấn đề khả năng tiếp cận vốn của Hợp tác xã, các cơ chế cho vay không tài sản đảm bảo, các cơ chế cho vay đối với hợp tác xã mới thành lập...Các ý kiến đã được trả lời cụ thể đến khách hàng, Sở ngành liên quan.
Ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế ghi nhận những kết quả mà toàn ngành ngân hàng Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, đặc biệt là phát triển nông nghiệp nông thôn; ghi nhận các vướng mắc, khó khăn liên quan. Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN Việt Nam NHNN sẽ tham mưu sửa đổi bổ sung Nghị định số 55, Nghị định 116, qua đó nông nghiệp nông thôn tiếp tục nằm trong lĩnh vực ưu tiên. Về phíaNHNN chi nhánh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp các Sở ngành tỉnh, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đầu tư mạnh cho sự phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là lĩnh vực tam nông, giữ vững và phát huy vai trò cầu nối, đồng hành cùng sự phát triển không ngừng của địa phương.
Phòng TH, NS &KSNB